Những Phương Pháp Để Siêu Việt Mộng Tưỏng
Trích từ tác phẩm"Mật Tông Tâm Pháp"
Bàn về bộ kinh Vigyana Bhairava Tantra
với 112 Phương Pháp Thiền Của Shiva
Chuyển ngữ: Vạn Sơn 2007
[email protected]
Câu hỏi thứ nhất
Xin thầy vui lòng giải thích một vài yếu tố có thể giúp con người tỉnh thức khi mơ.
Đây là một câu hỏi rất có ý nghĩa cho những người quan tâm đến thiền quán, bởi vì thiền chính là một sự siêu việt quá trình mơ mộng. Bạn mơ liên tục, không những ban đêm, không những khi ngủ mà mơ cả ngày. Đó là điều đầu tiên cần phải hiểu. Bạn mơ ngay trong lúc thức.
Chỉ cần nhắm mắt lại bất kỳ lúc nào, chỉ cần ngả người xuống là mộng tưởng xuất hiện ngay tức thì. Nó không hề biến mất mà chỉ bị đè nén bởi những hoạt động trong ngày. Nó giống như thể sao trên trời. Ban đêm bạn thấy chúng. Ngày thì không, nhưng chúng luôn luôn có mặt. Ban ngày chúng bị ánh sáng mặt trời làm lu mờ.
Nếu nhìn xuống một giếng sâu, bạn có thể thấy sao ngay giữa ban ngày. Chúng cần phải có một màn đêm nào đó để hiện ra. Nhìn xuống đáy một giếng sâu bạn có thể thấy chúng ngay giữa ban ngày. Chúng luôn luôn có mặt. Không phải chúng chỉ xuất hiện ban đêm và biến mất ban ngày. Chúng luôn luôn hiện diện. Ban đêm bạn dễ thấy hơn. Ban ngày bạn không thấy được vì chúng bị ánh sáng mặt trời che khuất.
Mơ cũng thế. Không phải bạn mơ khi ngủ. Bạn mơ dễ hơn khi ngủ vì những hoạt động ban ngày đã tạm ngưng, và do đó hoạt động bên trong dễ thấy hơn và dễ cảm thấy hơn. Khi thức dậy bạn tiếp tục mơ trong khi bắt đầu những việc hàng ngày.
Những hoạt động hàng ngày này không cho phép mơ xuất hiện, nhưng chúng vẫn có. Nhắm mắt lại và ngả đầu xuống là chúng xuất đầu lộ diện. Chúng chẳng đi đâu cả. Chúng liên tục ở đó.
Điểm thứ hai. Nếu tiếp tục mơ, không thể nói là bạn thực sự tỉnh thức được. Ban đêm bạn ngủ nhiều hơn; ban ngày bạn ngủ ít hơn. Mơ là một lớp màng che phủ tâm thức. Lớp màng này chẳng khác làn khói; bạn bị nó che phủ. Bạn không thể nói là thực sự tỉnh thức nếu vẫn còn mơ, chẳng biết ngày hay đêm. Cho nên điểm thứ hai là bạn chỉ thực sự tỉnh thức khi không còn mộng mị nữa.
Chúng ta gọi Đức Phật là người đã tỉnh thức. Tỉnh thức là gì? Tỉnh thức nghĩa là mơ đã hoàn toàn ngừng hẳn bên trong. Trong nội tâm chẳng còn mơ nữa, như thể bầu trời không còn sao nữa; còn lại là một không gian thuần khiết. Khi không mơ nữa, bạn trở thành không gian thuần khiết.
Sự trong sạch này, sự hồn nhiên này, tâm thức không mộng mị này, được gọi là giác ngộ, cũng được gọi là tỉnh thức. Đã nhiều ngàn năm qua, cả Đông lẫn Tây, mọi truyền thống tâm linh đều nói rằng con người say ngủ. Chúa nói như vậy; Phật nói như vậy; Áo Nghĩa Thư cũng nói như vậy. Cho nên khi ban đêm bạn ngủ, bạn không ngủ hoàn toàn; ban ngày bạn ít ngủ hơn. Nhưng các tôn giáo đều nói con người say ngủ. Điều này cần phải hiểu.
Điều này có ý nghĩa gì? Đạo sư Gurdjieff, trong thế kỷ hai mươi, đã nhấn mạnh sự kiện là con người đều say ngủ. Ngài nói, “Con người sinh ra để ngủ. Người người đều say ngủ.”
Căn cứ vào đâu mà nói thế? Bạn không biết, không nhớ bạn là ai. Bạn biết bạn là ai không? Nếu hỏi một người đang đi đường mà ông ấy không biết mình là ai, bạn sẽ nghĩ sao? Hoặc bạn nghĩ ông ta điên, hoặc say, hoặc ngái ngủ. Nếu ông ta không biết mình là ai, bạn sẽ nghĩ gì về ông ta? Về mặt tâm linh, người nào cũng như thế cả. Bạn cũng không thể trả lời bạn là ai.
Đó là ý nghĩa đầu tiên khi Gurdjieff, khi Chúa nói rằng con người say ngủ. Bạn không biết mình là ai, không nhận thức được con người của mình; bạn chưa hề đối mặt với chính mình. Bạn biết rất nhiều về thế giới khách quan, nhưng không biết gì về thế giới chủ quan. Tâm trạng của bạn chẳng khác gì bạn xem phim. Trên màn ảnh phim đang chiếu, và bạn si mê đến nỗi bạn chỉ biết đến phim, câu chuyện, và bất kỳ những gì đang xảy ra trên màn ảnh. Lúc đó nếu có người hỏi bạn là ai, bạn sẽ ngẩn người ra.
Mơ cũng giống phim. Đó là tâm trí phản ảnh thế giới. Trong tấm gương của tâm trí, thế giới được phản chiếu. Mơ cũng vậy. Bạn hoàn toàn dan díu với nó, hoàn toàn đồng hóa với nó đến nỗi bạn quên hẳn bạn là ai. Bạn thấy tất cả, ngoại trừ bạn. Cái quên chính mình này là say ngủ. Trừ khi mộng tưởng chấm dứt, bạn không thể tự đánh thức chính mình.
Còn tiếp
Bookmarks